Mô tả
Tên gọi cua Huỳnh đế được lý giải khá thú vị.
Ngày xưa, vua chúa khi du ngoạn ở các vùng biển đẹp thấy ngư dân đánh bắt được loại cua màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử.
Càng ăn thấy càng ngon, càng sung sức nên vua ra lệnh cho ngư dân phải thường xuyên dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua Huỳnh đế (còn gọi là cua Hoàng đế) lưu truyền trong dân gian.
Để đánh bắt cua Huỳnh đế, ngư dân rất kỳ công khi ra khơi săn tìm. Có thể đánh bắt bằng lưới giã cào, nhưng để có được những chú cua “vua” chất lượng cao thì phải dùng một dụng cụ gọi là rập.
Rập “bẫy”cua Huỳnh đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ra khơi thường trang bị từ 200 – 300 cái rập, khi thả mỗi cái cách nhau chừng 5m, nối kết bằng một trục dây để phăng như phăng lưới.
Đôi khi sau cả buổi thả rập chỉ thu về được vài ba chục con. Cua Huỳnh đế có những con ở vùng biển nước sâu nặng hơn 1 ký. Được nhiều con cỡ này thì ngư dân mừng như bắt được vàng, vì nó là biểu hiện của sự may mắn.